Việt Nam sẵn sàng tiến xa hơn vào kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số
“Việc chuyển đổi sang thời đại kỷ nguyên trí tuệ sẽ nâng cao vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi tiến xa hơn, Việt Nam cần đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi số phải bao trùm, bền vững và công bằng.” - GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định.
Việt Nam đã và đang đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ, số hóa và hiện đại hóa bằng những chính sách đầy tầm nhìn của Chính phủ nhằm đưa đất nước trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu thiết thực, hướng đến việc nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tăng trưởng bao trùm cho tất cả các tầng lớp xã hội.
Cấu trúc kinh tế xã hội có thể thay đổi đáng kể
Theo GS. Klaus Schwab, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất. Tuy nhiên, đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại kỷ nguyên trí tuệ.
Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Đứng trước sự thay đổi đó, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025 là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam.
GS. Klaus Schwab cho rằng, hiện tại có 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến AI và tự động hóa trong sản xuất. Cụ thể, ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may và ô tô, là động lực chính đằng sau sự phát triển kinh tế.
Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, với đặc trưng là AI và tự động hóa, sẽ cách mạng các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến thách thức mất việc làm, đặc biệt là đối với lao động tay nghề thấp.
Do đó, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên phát triển lực lượng lao động. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các chương trình như mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2030, Việt Nam đang tập trung nâng cao và tái đào tạo lực lượng lao động để đảm bảo nguồn nhân sự sẵn sàng cho các công việc mới, đòi hỏi kỹ năng vận dụng công nghệ cao.
Kế đến là thương mại điện tử và dịch vụ số, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam. Các nền tảng như Tiki, Shopee và MoMo đã phát triển nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của một nhóm dân số trẻ am hiểu công nghệ. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra các mục tiêu hướng tới việc có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025.
Theo đó, mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), song song việc tiếp cận thị trường mới và có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Như vậy, thách thức hiện nay là đảm bảo hạ tầng số của Việt Nam bắt kịp với sự phát triển này, mở rộng phạm vi phủ sóng 5G và tăng cường khả năng tiếp cận internet tin cậy, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.
Tương tự, hạ tầng số và đô thị thông minh hiện cũng được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm khi đầu tư đáng kể vào việc xây dựng đô thị thông minh trên khắp cả nước, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các sáng kiến này nhằm cải thiện quản lý đô thị thông qua việc sử dụng Internet vạn vật (IoT), AI và phân tích dữ liệu.
Kế hoạch quốc gia về phát triển đô thị thông minh đến năm 2025 của chính phủ hướng tới xây dựng các thành phố không chỉ hoạt động hiệu quả và bền vững mà còn được kết nối thông qua số hóa. Đây là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu công dân Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi đầu tư liên tục vào hạ tầng số, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Cuối cùng, là phát triển bền vững và công nghệ xanh, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và công nghệ số có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Đổi mới trong năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Việt Nam.
Như vậy, bằng cách đón nhận công nghệ xanh, Việt Nam không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn định vị mình là một quốc gia tiên phong trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Sẵn sàng cho những thách thức
Mặc dù những tiến bộ công nghệ của kỷ nguyên trí tuệ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng cần phải thừa nhận những thách thức mà thời đại này đặt ra đối với xã hội.
Hiện tại, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thận.
Bước vào kỷ nguyên trí tuệ, với đặc trưng là AI và tự động hóa, sẽ cách mạng các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho ngành sản xuất.
Khi AI và tự động hóa tái định hình các ngành công nghiệp, một số công việc sẽ có nguy cơ mất đi. Đối với một quốc gia có một lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào sản xuất và nông nghiệp như Việt Nam, đây quả thực là một thách thức nghiêm trọng.
Chính phủ Việt Nam hiện đang giải quyết vấn đề này thông qua Chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào tái đào tạo nguồn lao động cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đào tạo nghề, kết hợp với các chương trình phát triển kỹ năng số, sẽ là chìa khóa đảm bảo cho lực lượng lao động của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
GS. Klaus Schwab cho biết, hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Tuy nhiên, để tham gia toàn diện vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số. Chiến lược quốc gia về giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giáo dục của Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu này.
Ngoài ra, hợp tác với các công ty tư nhân trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục (edtech) có thể giúp đẩy nhanh quá trình phát triển các kỹ năng chuẩn bị cho tương lai.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo tất cả công dân Việt Nam đều được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số là điều quan trọng để xây dựng một xã hội toàn diện, bao trùm. Sáng kiến xã hội số của Chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách số, tập trung vào việc tăng cường truy cập internet, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và đảm bảo rằng các nhóm yếu thế không bị bỏ lại phía sau.
Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và văn hóa. Làm thế nào để Việt Nam đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng và sử dụng AI một cách có đạo đức trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới?
“Luật An ninh mạng Việt Nam, được ban hành vào năm 2019 là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập các khuôn khổ bảo vệ dữ liệu và quản lý các nền tảng số. Tuy nhiên, khi nền kinh tế số tiếp tục phát triển, Việt Nam sẽ cần tiếp tục điều chỉnh các chính sách này để đảm bảo cân bằng giữa đổi mới và bảo vệ quyền cá nhân" - GS. Klaus Schwab nhận định.
Nguồn: Thời báo tài chính