Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề do gian lận thanh toán số
Sự phát triển công nghệ mới như Blockchain, big data, AI… đòi hỏi ngành ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý, có giải pháp an toàn trước những sự cố về an ninh mạng, hạn chế rủi ro…
Hội thảo “FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML”, sáng 28/11.
Ngày 28/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Công ty Cổ phần Dịch Vụ Công nghệ Tin học HPT (HPT) tổ chức hội thảo “FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML” tại TP.HCM.
Hội thảo nhằm trao đổi và chia sẻ các xu hướng công nghệ mới nhất trong đó có AI/ML (AI: trí tuệ nhân tạo, Machine Learning: học máy) ứng dụng trong công tác phòng chống rủi ro gian lận tài chính và kinh nghiệm triển khai thực tiễn, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng tái cấu trúc chiến lược phòng chống gian lận toàn diện và hiệu quả.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như Blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số.
Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn… Từ đó, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Ủy viên Hội đồng VNBA kiêm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank, khẳng định chống gian lận là điều bắt buộc các ngân hàng phải làm. Việc phòng chống gian lận không chỉ đối mặt với những thách thức từ phía khách hàng mà còn phải ngăn chặn các mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn từ bên trong.
"Để có thể đi trước tội phạm tài chính và bảo vệ an toàn tài chính cho tổ chức của mình cũng như cho khách hàng, các tổ chức tín dụng cần triển khai những chiến lược phòng ngừa gian lận phải vừa hiệu quả, vừa có khả năng thích ứng linh hoạt với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ", ông Quân cho hay.
Trong bối cảnh thời đại chuyển đổi số bùng nổ, thách thức lớn và nguy hiểm chính là sự gia tăng các mối đe dọa gian lận tài chính đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường. Đây là vấn đề nóng và mang tính thời sự, không chỉ thu hút sự chú ý của ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
Đặc biệt, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo trong các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề do gian lận thanh toán số. Các hình thức gian lận bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền,...
Còn theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, với nhiều ngàn tỷ đồng đã bị chiếm đoạt.
Nguồn: VnEconomy