Thúc đẩy thanh toán song phương xuyên biên giới qua QR Code
Ngày 21/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua QR code giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, cùng một số vấn đề cần quan tâm tại Thông tư số 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Tham dự cuộc họp, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có: ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; đại diện các tổ chức tín dụng hội viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán đã làm rõ thông tin liên quan đến đối tượng thanh toán mới.
Theo ông Tuấn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN, hiệu lực từ ngày 17/7/2024, về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong đó, ví điện tử được quy định ngang bằng với tài khoản ngân hàng và cũng ngang bằng như thẻ ngân hàng. Đây là một bước tiến mới rất lớn trong hành lang pháp lý để đưa ví điện tử ngang hàng với tài khản và với thẻ.
Trước đây, trong Thông tư 39, không coi ví điện tử là phương tiện thanh toán mà coi hoạt động của ví chỉ dừng lại trong nội bộ của tổ chức như thông qua tài khoản liên kết giữa ví và tài khoản chủ thẻ mở tại ngân hàng hợp tác với Ví. Vì vậy, chỉ có khái niệm “Topup” là rút tiền, nạp tiền và quay vòng trong hoạt động của Ví. Đồng thời, các đơn vị chấp nhận thanh toán do các tổ chức trung gian quản lý.
Tuy nhiên, khi ví điện tử trở thành phương tiện thanh toán sẽ được quyền thanh toán tương tự như tài khoản ngân hàng, khi đó ví điện tử có thể thực hiện thanh toán từ ví đến ví và có thể thanh toán từ ví đến tài khoản ngân hàng. Như vậy, nguồn tiền vào ví không chỉ còn từ tài khoản liên kết nữa mà là từ tất cả các nguồn khác nhau có thể từ tài khoản ở các ngân hàng khác hoặc là từ nguồn tiền từ các ví khác,... Đây chính là các dịch vụ chuyển tiền từ tài khoản vào ví và ngược lại từ ví vào tài khoản.
Đối với hoạt động chuyển tiền nội bộ trong các ngân hàng sẽ không có thu phí. Đối với việc chuyển tiền giữa các ngân hàng thì NAPAS có thu phí, tuy nhiên một số ngân hàng thương mại vẫn áp dụng miễn phí cho khách hàng. Khi ví điện tử trở thành phương tiện thanh toán sẽ phải bình đẳng như hoạt động chuyển tiền đối với tài khoản của các ngân hàng.
Theo ông Tuấn, việc nêu ra vấn đề bình đẳng sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán liên thông giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán với nhau. Từ đó, tạo sự thúc đẩy liên thông trong thanh toán. Đặc biệt, cần phải có sự phân biệt rõ trong việc các đơn vị chấp nhận thanh toán theo mã QR chuyển tiền và chấp nhận thanh toán theo mã QR thanh toán. Bởi việc “chuyển tiền” và “thanh toán” là 2 khái niệm khác nhau, do “chuyển tiền” có thể thực hiện liên tục và nhiều lần nhưng “thanh toán” chỉ thực hiện chuyển tiền 1 lần.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia (đang triển khai tiếp với Lào), cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ thực hiện tốt ở chiều đi, nghĩa là khách hàng là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét QR Code để trả tiền nhưng ở chiều ngược lại việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có,…
Theo đại diện Vụ Thanh toán, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, việc hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết trong ASEAN, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho các khách hàng Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như du khách từ các nước này khi đến Việt Nam.
Do đó, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị NAPAS (với vai trò là đơn vị đầu mối kết nối) và các ngân hàng thành viên tham gia dự án kết nối cần có giải pháp đảm bảo chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR chiều thanh toán tại Việt Nam, trong đó: đảm bảo việc chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của các ngân hàng thành viên; có biện pháp mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR.
Phát hiểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thử nghiệm dự án kết nối thanh toán qua mã QR với Thái Lan và Campuchia, đồng thời phân tích các nguyên nhân, nhằm trao đổi và tìm kiếm các giải pháp thích hợp giữa các bên liên quan trong vấn đề thúc đẩy thanh toán song phương.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng hội viên cho biết, hiện có 2 hình thức chấp nhận thanh toán quốc tế là thanh toán qua mã VietQR (thanh toán không mất phí), thanh toán qua mã QR (mất 0,5% phí đối với đơn vị chấp nhận thanh toán). Vì vậy, cần phải có sự đồng nhất chuẩn định dạng để các ngân hàng hội viên có thể dễ dàng triển khai.
Bên cạnh đó, khi ngân hàng thực hiện ký kết với đơn vị chấp nhận thanh toán thì quy định, quy trình ký kết phải tuân thủ pháp lý, có nhận diện và phải ký "offline". Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc thu phí hoặc chuyển tiền qua mã QR miễn phí hoặc thanh toán thu phí.
Ngoài ra, đại diện các ngân hàng, trung gian thanh toán đã đóng góp các ý kiến, kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, cải tiến tiến độ vận hành, thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR với tinh thần tích cực hưởng ứng, tìm kiếm các giải pháp thống nhất, đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng.
Trong đó, việc triển khai tại Lào, Campuchia và Thái Lan có lượng khách nhỏ trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc có lượng khách tiềm năng lớn vì vậy cần tập trung cho thị trường có tiềm năng lớn trước. Đặc biệt, năm 2024 có rất nhiều Thông tư và luật mới mà các ngân hàng phải đáp ứng với thời gian gấp gáp. Vì vậy, nguồn lực của ngân hàng phải dàn mỏng để đáp ứng, trong khi đó, khi kết hợp với NAPAS triển khai chuẩn QR động chưa đáp ứng được yêu cầu,…
Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cuộc họp là cơ hội để các bên liên quan thẳng thắn trao đổi chia sẻ, đã gợi mở được nhiều vấn đề cần bàn bạc thảo luận. Từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện để thúc đẩy thanh toán song phương xuyên biên giới.
Đối với thanh toán liên thông qua mã QR với các nước trong khu vực, trước mắt là Thái Lan, Lào, Campuchia, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đồng thời đề nghị cần thành lập tổ nghiên cứu kết nối liên thông thanh toán qua mã QR, do NAPAS làm đầu mối, nhằm nghiên cứu, đưa ra nội quy làm việc thống nhất, đồng thuận, rõ ràng đối với các ngân hàng đồng ý tham gia dự án kết nối thanh toán song phương.
TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đồng thời, đề nghị Vụ Thanh toán cũng như Ngân hàng Nhà nước tham vấn các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc cho phía ngân hàng, trung gian thanh toán trong quá trình triển khai.
TS. Nguyễn Quốc Hùng mong muốn chậm nhất đến khoảng cuối tháng 10/2024, các ngân hàng sẽ có sự đồng thuận trong việc thúc đẩy thanh toán liên thông xuyên biên giới.
Nguồn: VNBA