Nhận diện rõ để không “sập bẫy” lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng
Ngay cả khi thực hiện một cuộc gọi video và thấy mặt người thân hay bạn bè, nghe đúng giọng nói của họ thì cũng không hẳn đang nói chuyện với chính người đó. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo tài chính sử dụng Deepfake và trí tuệ nhân tạo (AI) khi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lừa đảo công nghệ cao.
Thủ đoạn tinh vi, phương thức biến đổi liên tục
Trong thời đại số hóa, việc chuyển tiền qua ngân hàng trở nên phổ biến hơn. Cùng với đó, nhiều kẻ gian đã sử dụng các chiêu trò hết sức tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng. Dù đã tăng cường cảnh giác, nhiều nạn nhân vẫn "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên, ông P.K (nhân vật xin giấu tên) sống tại quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, tại thời điểm tháng 6/2023, ông bị lừa đảo với tổng số tiền lên đến 300 triệu đồng. Theo đó, một người thân trong gia đình ông hiện đang sinh sống tại Cộng hoà Liên bang Đức có nhắn tin cho ông qua ứng dụng nhắn tin Messenger của mạng xã hội Facebook. Không biết rằng tài khoản mạng xã hội của người thân đã bị các đối tượng lừa đảo lấy mất và nhắn tin cho nhiều người vay tiền, ông K tin rằng đó là người thân của mình và gửi tiền liên tiếp 3 lần đến cho số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau khi phát hiện bị lừa, ông K đã liên hệ với phía ngân hàng và cơ quan công an để trình báo, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được các đối tượng lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng.
Tương tự với trường hợp của ông K, chị N.H (nhân vật xin giấu tên) sống tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cũng cho biết, chị bị lừa mất số tiền 20 triệu đồng vì nhấn vào đường link giả mạo thu tiền hoá đơn hàng tháng.
Thời gia qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng. Cũng trong thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam với tổng số tiền người dân bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.
Nhiệm vụ không của riêng ai
Chia sẻ về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, hiện nay có các dạng lừa đảo phổ biến như chiếm tiền trực tiếp của khách hàng bằng cách giả mạo tài khoản người khác, đánh vào tâm lý, lợi dụng sự tin tưởng để lừa đảo bạn bè người thân của họ chuyển tiền. Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo cơ quan chức năng, đánh vào tâm lý, sự sợ hãi hoặc lòng tham để lừa đảo ép chuyển, hoặc chiếm đoạt tài khoản, thông tin xác thực. Kẻ lừa đảo thường lợi dụng các “trend” như kỳ quyết toán thuế để lừa đảo cài phần mềm thuế, hay dịch vụ công.
“Các đối tượng thường giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện giới thiệu chương trình miễn phí thẻ thường niên, tăng hạn mức thẻ, ưu đãi. Sau đó kết bạn zalo và gửi link website giả mạo, chiếm đoạt các thông tin xác thực, thông tin thẻ, mã OTP - từ đó chiếm đoạt tiền” - ông Long cho hay.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho hay, các đối tượng lừa đảo, chiếm dụng tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, có phân công cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.
Những đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài thành lập những nhóm chuyên để chiếm đoạt tài sản qua mạng. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên chia sẻ, cập nhật kịch bản, triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sự sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.
Trước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đã xác định đây không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam