Ngân sách tăng thu nhờ số hóa
Việc triển khai hiệu quả các chính sách giãn, giảm thuế, phí đã góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu ngân sách nhà nước bền vững.
Đã miễn, giảm, gia hạn hơn 87 nghìn tỷ đồng
Trong 7 tháng năm 2024, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7 khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 55,1 nghìn tỷ đồng và gia hạn khoảng 32,1 nghìn tỷ đồng.
Trên thực tế, đúng là các chính sách hỗ trợ tài khóa đã đi vào cuộc sống hiệu quả. Minh chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42% vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái. Thu từ 3 khu vực kinh tế đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính, 7 tháng, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 67,9% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ.
Trong đó, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 49% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh), đến cuối tháng 7/2024 các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (quý IV/2023, kỳ quyết toán năm 2023 và ký tạm nộp quý I, quý II/2024). Đồng thời, nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng thu từ các khoản thu mà trước đây chưa thu được hoặc thu không đáng kể, như thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thu trên nền tảng số…
Điều này đã được minh chứng từ thực tế. Thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng qua đạt 72,1% dự toán, tăng 15,1% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (tăng khoảng 65%) và thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán (tăng khoảng 32,6%). Bên cạnh đó, một số khoản thu có tiến độ thu đạt khá (trên 60% dự toán) như: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 62,7% dự toán, tăng 13,8%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 192,9% dự toán, thu khác ngân sách đạt 81,5% dự toán.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP của Chính phủ, có tác động làm giảm số thu thuế giá trị gia tăng 7 tháng đầu năm khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng.
Tăng thu từ các nguồn còn dư địa, tiềm năng
Để đảm bảo thu đạt và vượt dự toán NSNN được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu cơ quan thuế, hải quan tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Theo thống kê, đã có 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. 75,4 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã triển khai phát hành hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn điện tử được phát hành là hơn 648,1 triệu hóa đơn; toàn bộ 9,4 nghìn cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế.
Cơ quan Thuế thời gian qua đã tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng (như: kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi…).
Tại hội nghị sơ kết công tác và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu toàn ngành Tài chính tiếp tục quyết tâm với tinh thần cao nhất, đồng thời với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thì phải quyết liệt các giải pháp để thu đúng thu đủ về NSNN. Bộ Tài chính chủ động, sáng tạo thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Thời báo tài chính