Giải tỏa cơn khát nhân lực số của ngành ngân hàng
Hiện nay, hệ thống ngân hàng thường xuyên được nâng cấp, cập nhật các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, do đó yêu cầu đáp ứng nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn. Tuy nhiên, việc thỏa mãn nhân lực số cả về số lượng và chất lượng đối với ngành này vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế…; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng có trình độ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại”.
Thực hiện quyết định trên, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến nay hơn 95% các ngân hàng đã có chiến lược chuyển đổi số, với một số ngân hàng có tới 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực có năng lực số trong ngành này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
KHAN HIẾM NGUỒN NHÂN LỰC SỐ
Theo cập nhật từ một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng thuộc top đầu thị trường, hiện có khoảng 2.500 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Trong đó, Vietcombank đang có nhu cầu tuyển dụng 274 chỉ tiêu nhân sự từ nay đến cuối năm ở các vị trí chuyên viên khách hàng, kế toán, giao dịch viên, nhân sự, công nghệ thông tin, nhân viên ngân quỹ, hỗ trợ kinh doanh. Ngân hàng ACB cũng đang tìm kiếm 500 nhân sự có kinh nghiệm cho các chức danh giám đốc và chuyên viên trong lĩnh vực quan hệ khách hàng, doanh nghiệp, cá nhân. Nhiều ngân hàng khác đang có nhu cầu tuyển dụng mạnh nhân sự công nghệ như: kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình viên, kiểm thử...
Dù vậy, theo đánh giá từ khối quản trị nhân lực ở một số ngân hàng, việc tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số là vấn đề nan giải của nhiều ngân hàng hiện nay. Trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực số trong nước, nhiều ngân hàng phải tổ chức chiến dịch vươn ra tìm kiếm nhân tài gốc Việt tại Singapore, Úc, Anh…
Theo bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng lớn Navigos Search, ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động nên có nhu cầu rất lớn về nhân sự cho quá trình chuyển đổi số. Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khiến nhiều nhà băng ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện, những nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như: AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối)... Đây là nhóm nhân lực đang được săn đón tại Việt Nam nhưng nguồn cung không dồi dào.
Đánh giá của Navigos Search cũng cho thấy những vị trí nghiệp vụ như chuyên gia dữ liệu, kỹ sư tài chính hay lập trình viên được các ngân hàng tìm kiếm nhiều nhất, có mức lương cao nhưng thiếu hụt nguồn cung. Trong khi công tác đào tạo nội bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu, chất lượng nhân lực tuyển mới tuy có trình độ nhưng phải đào tạo thêm mới làm được việc.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC ĐANG LÃNG PHÍ NHÂN LỰC SỐ
Ngành ngân hàng không chỉ khát nhân lực có kỹ năng số mà chính đội ngũ đang làm việc hiện tại chưa tối ưu phát triển kỹ năng này trong công việc. Nhận xét về kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu vừa công bố, PGS.TS. Đặng Thị Huyền Anh, Phó Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng, cho rằng dù với các vị trí chuyên môn và công việc khác nhau tại ngân hàng, tỷ lệ áp dụng năng lực số vào công việc là rất cao, với 96,2% người được hỏi đã áp dụng năng lực số. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết thì chỉ có 19,4% người được khảo sát cho rằng họ thường xuyên sử dụng năng lực số, trong khi 60,4% sử dụng nhưng không thường xuyên và 16,4% ít sử dụng năng lực số. Điều này cho thấy mặc dù ngành ngân hàng có những bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ, nhưng việc sử dụng và phát triển kỹ năng số trong công việc vẫn chưa thực sự đồng đều và hiệu quả.
Theo TS. Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Học viện Ngân hàng, phát triển nguồn nhân lực luôn là yếu tố cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành ngân hàng đang tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối. Những công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng. Song hành với sự phát triển của công nghệ ngân hàng là những yêu cầu về lực lượng nhân sự được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng số.
Các chuyên gia nhân lực nhận định sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra những điều kiện mới cho xã hội tri thức, trong đó năng lực số là yếu tố quan trọng để người lao động có thể học tập và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng đang khó khăn trong việc xây dựng khung năng lực số chung cho toàn ngành, điều này dẫn tới khó khăn và thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cũng như xác định các tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng.
Nguồn: VnEconomy