Giải pháp phòng chống lừa đảo online năm 2024: “Chiến dịch” xác thực sinh trắc học
Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành “từ khóa chủ chốt” trong toàn ngành ngân hàng khi đây được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo online. Sau nửa năm triển khai, kết quả của việc xác thực sinh trắc học là khởi đầu cho chiến lược dài hạn đảm bảo an toàn và bảo mật trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng.
Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN chính thức ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định 2345 ra đời trong bối cảnh tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn nghiêm trọng khi thiệt hại về tài sản không ngừng gia tăng.
Một trong những quy định đáng chú ý trong Quyết định 2345, đó là kể từ ngày 01/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Khi việc cập nhật sinh trắc học trở thành yêu cầu bắt buộc trong quá trình chuyển khoản giao dịch có giá trị lớn đã gây ra không ít lo ngại rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN nhiều lần khẳng định rằng: Theo thống kê, có tới 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Với tỷ lệ như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản thì với tình hình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng chỉ trong khoảng thời gian 3-5 giây.
Lãnh đạo của NHNN đặc biệt nhấn mạnh, ngành ngân hàng luôn ưu tiên trải nghiệm của khách hàng, và khẳng định việc xác thực sinh trắc học là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng nhất là trong bối cảnh các vụ lừa đảo, trộm tiền qua ngân hàng thời gian qua tăng mạnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Với Quyết định 2345, từ ngày 1/7, không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết”.
Ông Tuấn cũng dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để khẳng định quyết tâm triển khai thành công Quyết định 2345.
Cách dấu mốc ngày 01/7/2024 khoảng 2 tuần, các ngân hàng đã bước vào “cuộc đua” cấp tập trong việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Hàng loạt thông báo liên tục được gửi tới khách hàng đề nghị nhanh chóng cập nhập dữ liệu sinh trắc học. Thậm chí, nhiều ngân hàng mở cửa phòng giao dịch cả ngoài giờ hành chính và xuyên ngày cuối tuần để hỗ trợ cho khách hàng.
Bước sang ngày 01/7, việc thực hiện sinh trắc học chính thức áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền. Ngay trong ngày đầu tiên, nhiều vấn đề nảy sinh xuất hiện như tắc giao dịch, chuyển khoản không thành công trong quá trình xác thực… Lãnh đạo một ngân hàng Big 4 đã từng thừa nhận, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng.
Tuy nhiên, mọi lỗ hổng liên quan đến ách tắc giao dịch, cập nhật dữ liệu lỗi được khắc phục dần. Thống kê của NHNN ghi nhận, tính đến 17 giờ ngày 3/7, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ Công an. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khi đó khẳng định: “Con số này có thể nói bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Nguồn: CafeF