Bộ Tài chính đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số
Bộ Tài chính vừa có công điện gửi các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành Tài chính, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Bộ Tài chính cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud computing),… là những công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, hiệu quả quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển Kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 44/2022/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định số 127/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và Quyết định số 1484/2022/QĐ-BTC về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra các nhiệm vụ về ứng dụng các công nghệ số mới như: trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, điện toán đám mây,…
Nhằm đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số để thay đổi phương thức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Tin học và Thống kê tài chính và một số Vụ, Cục có dữ liệu lớn thành lập Tổ nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số.
Tổ nghiên cứu tập trung triển khai việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong lĩnh vực, nghiệp vụ cốt lõi của cơ quan, đơn vị và của Bộ Tài chính. Trong đó chú ý tới các nghiệp vụ liên quan đến tài chính - ngân sách, hoạt động quản lý kinh tế, quản lý rủi ro về tài chính, rủi ro về thuế, quản lý thuế từ thương mại điện tử, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, quản lý các giao dịch trên thị trường chứng khoán, quản lý thông tin về nợ công, thị trường bảo hiểm, điều hành giá, tài sản công… hoàn thành các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ mới đã được giao. Đồng thời, hỗ trợ tốt cho việc dự báo chính sách, cảnh báo rủi ro, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo.
Cùng với đó, phối hợp cùng các bộ, ngành, có liên quan để ban hành, sửa đổi các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc triển khai các sản phẩm công nghệ số liên quan đến ngành, lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách.
Các đơn vị có dữ liệu lớn cũng được yêu cầu duy trì, phát triển, mở rộng các dịch vụ dữ liệu ngành Tài chính phục vụ nhu cầu khai thác của các bộ, ngành, địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp. Trong đó, dữ liệu của Bộ Tài chính được tổ chức thống nhất, được phân cấp theo trách nhiệm quản lý, dữ liệu và cơ sở dữ liệu được tổ chức, lưu trữ tạo thuận lợi cho việc chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị bên ngoài.
Nguồn: Thời báo tài chính